“Về đây ta nghe sóng kể Bạch Đằng Giang, Về đây nghe lại tiếng quân reo, Đại Việt ngàn năm hồn sông núi, Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu…”
Khu di tích Bạch Đằng Giang – Nơi kết nối những trang vàng lịch sử
Dưới chân núi Phượng Hoàng, dãy Tràng Kênh, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 20km, có một dải non xanh – nơi giao hòa vẻ đẹp của đất, của trời, của nước, của bàn tay con người kiến tạo, nơi mà hồn thiêng núi sông còn vọng vang trong từng ngọn sóng, từng thớ đất – khu di tích Bạch Đằng Giang. Không chỉ ghi dấu những khúc tráng ca từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIII với 3 trận kỳ chiến của 3 bậc kỳ nhân: Ngô Vương Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo, khu di tích Bạch Đằng Giang còn là nơi tôn vinh vị cha già dân tộc, bậc thánh nhân đại trí, đại dũng, đại liêm Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng có đền thờ Đức Phật, đền thờ Mẫu theo tín ngưỡng lâu đời của người Việt và một số công trình, hiện vật thờ tự ghi dấu nhiều bậc tiên liệt trong lịch sử.
Quá trình xây dựng Khu di tích
Được khởi tạo bởi lòng người và ý chí, chỉ trong hơn 10 năm, khu di tích Bạch Đằng Giang đã trở thành một điểm đến tâm linh có giá trị trên nhiều phương diện.
Năm 2008, xây dựng Linh từ Tràng Kênh thờ Đức Thánh Trần.
Năm 2009, xây dựng đền Tràng Kênh vọng đế thờ Đức hoàng đế Lê Đại Hành.
Năm 2010, xây dựng Trúc Lâm tự Tràng Kênh thờ Đức Phật và Nhà bảo tàng truyền thống.
Năm 2011, xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền.
Năm 2012, xây dựng Trụ Chiến thắng.
Năm 2014, được Chính phủ phê duyệt và công nhận, cho phép mở rộng Khu di tích quốc gia Bạch Đằng Giang.
Năm 2015, xây dựng đền thờ Mẫu và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2016, xây cổng chính, nhà khách và bãi để xe.
Năm 2017, xây quảng trường Chiến Thắng, công viên Trần Hưng Đạo.
Năm 2018, hoàn thiện đường bộ, đường sông vào khu di tích và Lâm viên bảo quốc.
Năm 2019, xây dựng đền thờ Tướng công Lê Duy Mật.
Toàn cảnh khu di tích Bạch Đằng Giang
Toàn bộ khu di tích nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, nhìn ra cửa sông Bạch Đằng, lưng tựa núi, mắt dõi biển Đông, dưới chân là trường lưu thủy, huyền quang rộng lớn là cả một vùng non nước mênh mông. Đây được xem là vùng đất ngọa hổ, tàng long, voi chầu, hổ phục, mặt Đông có Thanh Long là cửa sông Bạch Đằng, mặt Tây có Bạch Hổ là vùng núi Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, mặt Bắc có Hồng Phượng là núi non Yên Tử, Đông Triều, mặt Nam có Hắc Quy là núi U Bò. Tụ thủy ắt tụ nhân, thế kỷ XV, Nguyễn Trãi qua đây đã từng thốt rằng:
Quan hà bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tầng
Dịch là: Sông núi hiểm trở, hai người chống được trăm người là do trời sắp đặt, hào kiệt đã lập công danh tại đất này.
Theo thứ tự từ cổng tam quan vào khu di tích, du khách sẽ đi qua bãi để xe miễn phí rộng hàng ngàn mét vuông rợp bóng cây, đến Nhà khách có sức chứa ngàn người, nơi khách thập phương có thể vừa uống nước, nghỉ ngơi, đồng thời được giới thiệu toàn cảnh khu di tích.
Nhà trưng bày hiện vật Bạch Đằng Giang
Qua cổng thứ hai là tới Nhà trưng bày hiện vật Bạch Đằng Giang với nhiều cổ vật như: rìu đá, đồ sành, đồ gốm của văn hóa Hạ Long ở di chỉ Việt Khê Tràng Kênh, 3 cọc gỗ tim chứng tích trận chiến Bạch Đằng có tuổi trên dưới ngàn năm, những sách quý ghi chép về chiến tích Bạch Đằng Giang, hình ảnh các vị nguyên thủ quốc gia, khách quý và nhân dân đã về đây dâng hương kính bái.
Vườn cuội cổ triệu năm và Trụ Chiến thắng
Điểm tiếp theo trên hành trình là vườn cuội cổ triệu năm và Trụ Chiến thắng bằng đá hồng ngọc nguyên khối.
Đền Tràng Kênh Vọng đế
Đi tới chừng 100m là đền Tràng Kênh Vọng đế, nơi thờ Lê Đại Hành hoàng đế, đây là công trình được xây dựng trong 92 ngày đêm, đúng bằng số ngày ngài đã trực tiếp chỉ huy 6 trận đánh lớn.
Linh từ Tràng Kênh
Linh từ Tràng Kênh, công trình chính đầu tiên của quần thể di tích này, được khởi công từ ngày 7/10/2008, tức ngày 9/9 năm Mậu Tý để kỷ niệm 800 ngày sinh của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hằng năm tại đây có các lễ lớn, đó là Lễ cấp ấn ngày 14, 15 tháng Giêng, 20/8 âm lịch là ngày giỗ của Ngài và ngày 14 tháng Chạp là ngày Khánh tân ngôi đền.
Trúc Lâm tự Tràng Kênh
Qua đền Tràng Kênh Vọng đế là vườn tượng các vị La Hán được tạc bằng bạch ngọc. Men theo bờ giếng ngọc tụ thủy, leo từng bậc đá của con đường Tùng, Cúc, Trúc, Mai lên đỉnh núi Phượng Hoàng là Trúc Lâm tự Tràng Kênh – nơi thờ Đức Phật tổ Như Lai, các Đạt Ma và Bồ Tát, Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong 100 ngày, đây là đền thờ Bác đầu tiên ở Hải Phòng cũng như toàn vùng Đông Bắc.
Đền thờ Mẫu
Đền thờ Mẫu, điểm đến tiếp theo trong quần thể, là nơi khách thập phương cầu thánh Mẫu và chư vị thánh thần phù hộ, che chở, độ trì cho sức khỏe, cho quốc thái dân an.
Đền thờ Đức Vương Ngô Quyền
Đền thờ người lập kỳ công với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất – Đức vương Ngô Quyền – ở hướng tiến ra cửa sông, được ghi nhận với quá trình xây dựng suốt 5 tháng không nghỉ để trở thành một công trình đẹp với nhiều hiện vật quý được chế tác bởi những người thợ tài hoa ở nhiều miền đất nước.
Quảng trường Chiến thắng
Từ vườn hoa Trần Hưng Đạo, Đại lộ chiến thắng sẽ đưa du khách đến Lâm viên bảo quốc – nơi trồng những cây gỗ quý từ mọi miền đất nước – và sau cùng là ra tới Quảng trường chiến thắng. Tọa lạc ngay trên mặt sóng, công trình kỳ vĩ nổi bật bởi 3 pho tượng uy nghiêm của Đức vương Ngô Quyền, Đức vua Lê Đại Hành và Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Dưới mặt nước là bãi cọc tượng trưng cho một nghệ thuật quân sự đỉnh cao đã được các bậc tiền nhân sáng tạo ở chiến trường xưa.
Những tháng cuối năm 2019, một kỳ tích Bạch Đằng đã xuất lộ tại Thủy Nguyên, đó là bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê. 27 cọc gỗ, 27 chứng tích sẽ là mở đầu cho việc kết nối và mở rộng một miền di tích “Vạn cổ Bạch Đằng lưu chính khí”. Xuôi theo con nước Bạch Đằng giang, vẫn còn đó những mạch ngầm, sẵn sàng đưa ta đi đến tận cùng lịch sử.
Còn đâu đó, lời bài hát Bạch đằng giang kí sử (sáng tác & hòa âm: Xuân Bình) như nhắc chúng ta tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc đang hiển hiện tại nơi đây – di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu
"Về đây ta nghe sóng kể Bạch Đằng Giang, Về đây nghe lại tiếng quân reo, Đại Việt ngàn năm hồn sông núi, Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu…"BẠCH ĐẰNG GIANG KÍ SỬSáng tác & Hòa âm: Xuân Bình.Ca sĩ: Minh Sơn.Video: Hoàng Hải Dương.
Người đăng: Nguyễn Đức Hạnh vào Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019
BẠCH ĐẰNG GIANG KÍ SỬ
Sáng tác & Hòa âm: Xuân Bình.
Ca sĩ: Minh Sơn.
Video: Hoàng Hải Dương.
Nguồn: Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Ảnh: VTC news