Thành phố Hải Phòng

CN: 27°C
T2: 30°C
T3: 32°C
T4: 28°C
T5: 26°C
T6: 25°C
T7: 24°C

Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938


Ngô Quyền (897 – 944), người làng Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Cha ông là Ngô Mân từng làm chức Châu mục Đường Lâm. Từ nhỏ, Ngô Quyền đã sống trong truyền thống yêu nước của quê hương.

Ngô Quyền là vị vua họ Ngô đầu tiên của nước ta. Ông là người lãnh đạo quân ta đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc và mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ mới cho nước nhà.

Ở Trung Quốc, năm 907 nhà Đường sụp đổ. Các tập đoàn phong kiến quân phiệt phương Bắc vừa thôn tính, tiêu diệt nhau đẫm máu, vừa tận dụng mọi cơ hội bành trướng xâm lược ra bên ngoài.

Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm (sau đổi là Lưu Cung) đã đặt tên nước là Đại Hán với tham vọng kế tục mộng bành trướng của đế chế Đại Hán hồi đầu Công nguyên. Hướng bành trướng chủ yếu của Nam Hán là phương Nam, nhằm vào đất nước ta, một đất nước giàu có và giữ vị trí trọng yếu của vùng Đông Nam Á, lại vừa qua hơn nghìn năm Bắc thuộc.

Thực hiện mộng bành trướng đó, năm 930, vua Nam Hán đã mở cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất. Chúng đã đánh bại được chính quyền họ Khúc, chiếm được phủ thành Đại La. Năm 931, một tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ đã dấy quân từ châu Ái, nhanh chóng quét sạch quân giặc ra khỏi nước nhà, giành lại chủ quyền dân tộc.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Kiều Công Tiễn đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân thời cơ đó, Nam Hán phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Lần này, vua Nam Hán sai con trai là Thái tử Giao Vương Lưu Hoằng Tháo thống lĩnh quân thủy vượt biển tiến vào nước ta. Vua Nam Hán cũng đích thân đem quân áp sát biên giới để yểm trợ, gây thanh thế cho con và sẵn sàng tiếp ứng khi cần thiết.

Đến tháng 10 năm 938, Ngô Quyền từ vùng châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn, trừ mối họa bên trong và làm thất bại ngay từ đầu âm mưu dùng nội ứng của Nam Hán. Sau đó, ông huy động nhân dân cả nước khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán.

Trên cơ sở phát huy sức mạnh đoàn kết và khí thế độc lập của dân tộc, phân tích và đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và của địch, Ngô Quyền bày một thế trận hết sức kiên quyết, chủ động và lợi hại để nhanh chóng phá tan quân giặc.

Ông huy động nhân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt, đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thủy bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông Bạch Đằng. Một đội thuyền nhẹ dưới quyền chỉ huy của người thanh niên Gia Viện (Hải Phòng) là Nguyễn Tất Tố, giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên nhử địch vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy mai phục bên trong của ta.

Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc ta, như tác giả bộ sử “Cương mục”: “Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến”. Ngô Quyền không những biết lợi dụng địa hình thiên nhiên, để ém quân mai phục, phối hợp bộ binh với thủy binh, ông còn là người biết lợi dụng thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, gắn với việc bố trí bãi cọc ngầm nổi tiếng.

Trong thế trận của Ngô Quyền, trận địa mai phục bên trong bãi cọc giữ vai trò quyết định, chặn đứng đoàn thuyền địch và giáng cho chúng một đòn tiêu diệt bất ngờ, nặng nề. Trận địa cọc giữ vai trò quan trọng, khóa đường tháo chạy của chiến thuyền địch và bao vây tiêu diệt triệt để quân giặc. Sự phối hợp giữa hai trận địa chứng tỏ quyết tâm chiến lược của Ngô Quyền là phen này không chỉ đánh bại quân giặc mà còn bao vây, tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của giặc, giành thắng lợi oanh liệt, đập tan mộng xâm lược bành trướng của triều Nam Hán. “Trận địa cọc” là một nét độc đáo của trận Bạch Đằng, cũng là một sáng tạo rất sớm trong nghệ thuật quân sự Việt Nam mà người khởi xướng là Ngô Quyền.

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã diễn ra ác liệt và kết thúc rất nhanh gọn.

Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy quân mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, dấu quân trong các nhánh sông và bên hữu ngạn sông Bạch Đằng.

Khi cả binh đoàn thuyền lớn của Hoằng Tháo ào ạt vượt cửa biển An Bang tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng, Ngô Quyền cho bộ phận tiên phong dùng thuyền nhẹ ra đón đánh địch từ xa, nghi binh dụ địch. Lúc thủy triều lên to ngập trận địa cọc, bộ phận này giả thua rút chạy nhử địch vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ. Tướng Hoằng Tháo kiêu ngạo thúc đại quân đuổi gấp, trúng kế, mắc mưu, vượt qua bãi cọc ngầm.

Đợi thủy triều xuống, Ngô Quyền mới cho quân mai phục đổ ra bao vây thuyền địch. Thuyền địch va vào cọc nhọn bịt sắt bị đâm thủng, chìm đắm gần hết, quân chết đuối quá nửa. Hoằng Tháo bị giáo đâm, lăn xuống nước chết tại trận. Quân ta giết và bắt sống hầu hết quân Nam Hán. Thời gian trận đánh chỉ diễn ra trong phạm vi một ngày. Chiến thắng Bạch Đằng nhanh gọn, bất ngờ đến mức vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Hắn kinh hoàng, khủng khiếp, đành “thương khóc thu nhặt quân còn sót lại mà rút lui” (Đại Việt sử ký toàn thư) và “đem dư chúng quay trở lại” (Ngũ đại sử ký).

Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt nam