Thành phố Hải Phòng

T6: 29°C
T7: 31°C
CN: 30°C
T2: 27°C
T3: 26°C
T4: 26°C
T5: 26°C

Bạch Đằng Giang khí thiêng sông núi


Bạch Đằng Giang khí thiêng sông núi nước Nam

Hải phòng mảnh đất nơi cửa biển, phía Bắc của Tổ Quốc, có vị trí đặc biệt trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Mỗi dòng sông, mỗi làng quê, mỗi con đường, vùng biển và hải đảo của Hải Phòng đều gắn với những chiến tích lịch sử của các bậc tiền nhân, cũng như quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố cảng.

Ba lần đánh thắng quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng là minh chứng sống động cho sức mạnh quân dân nước Việt, sức mạnh nhân dân vùng cửa biển, hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu. Và giờ đây, quần thể khu di tích Bạch Đằng Giang chính là nơi bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử, trở thành niềm tự hào của nhân dân thành phố về hào khí Bạch Đằng, hào khí Đông A ngay trên mảnh đất Hải Phòng.

Quần thể di tích Bạch Đằng Giang nằm ngay tại ngã ba sông Bạch Đằng, trung tâm của chiến trường xưa. Đây là địa chỉ duy nhất trên cả nước có đền thờ, tượng đài cả ba vị anh hùng dân tộc đã làm nên những chiến thắng vĩ đại trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử và đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Toàn bộ quẩn thể di tích danh thắng nhìn ra cửa sông Bạch Đằng, lưng tựa núi, mắt dõi biển Đông, dưới chân là cả một vùng non nước mênh mông.

Di tích bao gồm nhiều thời đại, với những giá trị hết sức đặc biệt tầm quốc gia. Trên con đường dẫn vào khu di tích là những hàng cây được trồng lưu niệm trong các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành Trung Ương và lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ. Các chuyến viếng thăm không chỉ là sự tri ân với các bậc tiên liệt của dân tộc mà còn thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với quân, dân thành phố Cảng.

Bao con sông đổ về Bạch Đằng, bao sức người san bằng mọi trở ngại, đã đồng lòng để tạo dựng một Tràng Kênh hôm nay. Năm 2019, việc khai quật bãi cọc Cao Quỳ không chỉ có ý nghĩa với Hải Phòng, mà còn đối với ngành khảo cổ học cả nước. Quả thật, khó có thể tưởng tượng, sau những lớp trầm tích của thời gian, những trận địa bãi cọc huyền thoại trên sông Bạch Đằng vẫn còn đó, chiến tích oai hùng ngàn năm vẫn còn đó. Di tích bãi cọc Cao Quỳ đã hòa cùng khu di tích Bạch Đằng Giang và hệ thống các di tích khác, trở thành một quần thể di tích lịch sử, văn hóa rộng lớn dọc bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng.

Trong ít ngày tới, Hải Phòng sẽ chính thức đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, là niềm vui, niềm vinh dự và tự hào lớn của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng. Đây cũng là trách nhiệm lớn mà Đảng, Nhà nước giao cho Đảng bộ, quân và dân thành phố trong việc tiếp tục đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị quý báu của di tích cho hôm nay và cho đời đời con cháu mai sau.

Nhà thơ Phạm Sư Mạnh khi đến đây đã viết rằng “Giang San Vượng Khí Bạch Đằng Thâu” có nghĩa là khí thiêng sông núi tụ ở Bạch Đằng. Còn danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi khi chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi đây đã phải thốt lên “Nơi mà các sông giao lưu, sóng nước liền trời, cây cối che bờ, thật là nơi hiểm yếu ở biên cảnh”. Có một mùa xuân đang bắt đầu để tiếp nối bao mùa xuân mới, vĩnh hằng trên vùng đất Bạch Đằng Giang, nơi thấm đẫm những huyền tích lịch sử.

Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng