Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, danh nhân văn hoá của nhân loại đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Quyết định của Bộ Chính trị vừa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc từ lâu đời đã có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đáp ứng với nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến viếng thăm Người, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc. Đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.
“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”….
Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc và thời đại. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là nhà văn hoá lớn của nhân loại. Nghị quyết của UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Với công lao to lớn của Người, với tư tưởng đạo đức cách mạng và nhân cách trong sáng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng là một con người vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tấm gương hy sinh cả cuộc đời vì dân, vì nước; tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người luôn cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người và dân tộc đã lựa chọn. Giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng Lăng của Người là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại.
Thấm thoắt đã 38 năm Người đi xa và 32 năm khánh thành công trình Lăng vĩ đại. Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, nhân dân trong nước và khách quốc tế lại về bên Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ung dung, giản dị như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc….
Ba hai năm đã qua kể từ ngày khánh thành Lăng đến nay đã có hơn 33 triệu lượt người, trong đó hàng triệu lượt người nước ngoài của hầu hết các quốc gia và tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế trong nước tăng trưởng, hệ thống giao thông được mở mang, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện… nhân dân vào Lăng viếng Bác mỗi ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước; nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ; đặc biệt vào dịp kỷ niệm 19/5 và 2/9 mỗi ngày có tới hàng vạn người vào Lăng viếng Bác. Đối với khách nước ngoài, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hầu như 100% khách du lịch khi đến Hà nội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện nay, số lượng khách quốc tế vào Lăng viếng Bác tăng từ 3 đến 4 lần so với các năm trước đây.
Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy thanh thảnh, bình yên. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng của Người đã có cảm nhận: Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài hoạt động phục vụ thăm viếng, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình còn diễn ra các sinh hoạt văn hoá, chính trị. Những lễ báo công, giao ước thi đua, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn… và những năm gần đây, nam nữ thanh niên đã hình thành nên phong tục tập quán mới đó là đặt hoa trước Lăng Bác trong ngày cưới. Từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày đã được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hoà quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những năm tới, trong bối cảnh đất nước hội nhập, mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế số lượng người nước ngoài đến Việt Nam sẽ nhiều hơn và khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kiến sẽ cao hơn so với trước. Tình hình đó đòi hỏi công tác bảo đảm an ninh phải được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.
Mặt khác, thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về việc tăng cường học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 06 của Bộ Chính trị (khoá X) về triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú, thu hút với số lượng lớn nhân dân và khách quốc tế. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin đề xuất một số nội dung sau đây:
– Một là, thường xuyên chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tổ chức để nhân dân được về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh thuận tiện, chu đáo.
Thực tế hiện nay, nhu cầu tình cảm của nhân dân các địa phương trong cả nước được về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn. Mặc dù Đảng, chính quyền, các ngành của địa phương, nhất là ngành lao động, thương binh và xã hội, những năm qua đã có nhiều cố gắng để tổ chức cho các đoàn chính sách, các Mẹ Việt Nam anh hùng… được về Lăng viếng Bác, nhưng số lượng còn quá ít ỏi so với nhu cầu. Vì vậy vấn đề đặt ra là cần có một kế hoạch cụ thể để phối hợp chặt chẽ các ngành, các địa phương trong việc tổ chức để nhân dân được về thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vấn đề này, ngành lao động, thương binh và xã hội nên chủ trì và phối hợp với ngành du lịch, giao thông vận tải và các tổ chức quần chúng khác để lập kế hoạch phối hợp với Ban quản lý Lăng tổ chức để nhân dân, nhất là các gia đình chính sách được về Lăng viếng Bác.
– Hai là, thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền phục vụ nhân dân và khách quốc tế khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động văn hoá, chính trị trong Cụm di tích Lịch sử – Văn hoá Ba Đình.
Cụm di tích Lịch sử – Văn hoá Ba Đình gồm các công trình, di tích lịch sử: Lăng Bác, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Hàng ngày, trên khu vực Quảng trường Ba Đình, thường xuyên có hàng nghìn người đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động văn hoá, chính trị. Đây là lực lượng quần chúng đông đảo, tự giác đến để được nghe tuyên truyền, học tập về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức cách mạng, trong sáng của Người. Vì vậy, cần có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hoá – Thông tin trong việc giáo dục tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho nhân dân và khách quốc tế đến tham quan khu vực. Mặt khác, đối với các lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp tại Lăng Bác, Khu di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh cần chủ động đề xuất và tích cực cải tiến nội dung, hình thức giáo dục, tuyên truyền, nhất là hình thức trực quan sinh động để tạo ấn tượng hấp dẫn phong phú cho nhân dân và khách quốc tế đến với khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử.
– Ba là, phối hợp chặt chẽ các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong khu vực, nhất là hai lực lượng nòng cốt bộ đội và công an trong tình hình hiện nay.
Tổ chức đón tiếp nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động trong khu vực vừa thuận lợi, chu đáo; vừa tuyệt đối an toàn là yêu cầu lớn nhất đối với các lực lượng làm nhiệm vụ trong Cụm di tích Lịch sử – văn hoá Ba Đình. Trong tình hình hiện nay, kẻ địch có thể lợi dụng bất cứ sự sơ hở nào của chúng ta để gây mất ổn định chính trị, tạo cớ để vu khống, phá vỡ sự bình yên của đất nước. Chính vì thế, các lực lượng bộ đội và công an cần phải có kế hoạch, phương án cụ thể và hợp đồng chặt chẽ để chủ động ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không để bị động bất ngờ. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, cần chú trọng làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn nhân dân và khách quốc tế, để mọi người đều cảm nhận được sự thoải mái, chu đáo khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực, không vì nhiệm vụ bảo đảm an ninh mà ảnh hưởng đến công tác đón tiếp, tuyên truyền. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải thấm nhuần tư tưởng nhân ái, yêu thương con người như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở. Làm tốt những điều đó chính là góp phần vào việc tuyên truyền, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi tầng lớp nhân dân và tuyên truyền quảng bá hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân và bầu bạn quốc tế. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm của nhân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.
Đặng Nam Điền
Nguồn: Ban Quản lý lăng Chủ tich Hồ Chí Minh