Thành phố Hải Phòng

CN: 17°C
T2: 15°C
T3: 14°C
T4: 13°C
T5: 21°C
T6: 23°C
T7: 21°C

Cần có bảo tàng về trận thuỷ chiến Bạch Đằng lừng danh


Học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước đến bảo tàng về các trận thuỷ chiến Bạch Đằng lừng danh để tận mắt chứng kiến những chiếc cọc nghìn năm tuổi, từng phá tan đạo quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, đó là một giá trị.

Trận đánh quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288 là trận thuỷ chiến lừng danh thế giới. Con cháu Đại Việt muôn đời sau có thể tự hào “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng thuở trước máu còn loang).

Các binh gia trên thế giới có lẽ chưa từng ai bố trí một trận pháp trên sông với cách đánh mưu lược như quân dân thời nhà Trần, được dẫn dắt bởi vị tướng thiên tài Trần Hưng Đạo.

Người Việt Nam học sử, ai cũng biết về trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng, nhưng không hình dung được về thực địa. May thay, các khai quật khảo cổ đã tìm ra được những bãi cọc năm xưa, giúp cho con người hôm nay được hiểu biết rõ hơn  về trận đánh vang dội này.

trận thuỷ chiến Bạch Đằng

Từ năm 1958 đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các bãi cọc Yên Giang, Đồng Má Ngựa,  Đồng Vạn Muối  với khoảng 800 cọc. Và mới nhất là việc tìm thấy hàng chục cọc gỗ, tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chúng ta đang chờ đợi kết luận khoa học về bãi cọc, nhưng theo nhận định ban đầu, bãi cọc có liên quan đến trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng.

Thât xúc động khi nhìn hình ảnh về bãi cọc, dấu tích lịch sử của ngàn năm trước. Bày binh bố trận để đánh giặc bằng cọc chôn trong lòng sông là điều chỉ có ở những bộ óc thao lược thiên tài. Và như thế chưa đủ, cha ông ta, với đôi bàn tay và công cụ thô sơ, vẫn thực hiện được một trận pháp bằng cọc giăng khắp nơi. Ý chí, quyết tâm và sức mạnh đó cũng chỉ có ở một dân tộc có sức chống giặc phi thường.

Phát hiện mới này vô cùng quý giá, phục vụ cho công việc nghiên cứu khoa học, tiếp cận gần hơn với trận đánh năm xưa, như Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định: “Đây là một phát hiện cực kì lớn, tạo ra nhận thức mới có thể làm đảo lộn nhận thức của các nhà nghiên cứu từ trước đến nay về trận đánh này”.

Đó là công việc của các nhà khoa học, nhưng còn một  việc rất lớn, đó là từ phát hiện của các công trình khảo cổ liên quan đến trận chiến Bạch Đằng từ trước đến nay, có thể tập hợp, xây dựng một bảo tàng quốc gia. Bảo tàng lưu giữ tài sản vô giá là những chiếc cọc đánh giặc, tái hiện trận thuỷ chiến có một không hai trên thế giới. 

Học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước đến bảo tàng, tận mắt chứng kiến những chiếc cọc nghìn năm tuổi, từng phá tan đạo quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, đó là một giá trị.

Còn con cháu Đại Việt, đến bảo tàng để học lịch sử, để yêu nước thương nòi hơn, và để có niềm tin rằng không có một cường địch nào mà chúng ta không thể chiến thắng.

Theo: LÊ THANH PHONG

Nguồn: Báo Lao Đồng