Thành phố Hải Phòng

T6: 28°C
T7: 26°C
CN: 25°C
T2: 22°C
T3: 23°C
T4: 24°C
T5: 28°C

Bạch Đằng năm 1288 – Trận thuỷ chiến chấn động thế giới


Dòng Bạch Đằng giang lần thứ ba lần đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là vào năm 1288, với chiến công của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trước quân Nguyên Mông.

Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Suốt cuộc đời, ông hết lòng phụng sự cả 4 đời vua Trần thịnh trị. Ông là bậc tướng cột đá chống trời, hội tụ cả tài lẫn đức và trong cả ba lần đánh quân Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đều lập công lớn, được sử sách ngợi ca.

Trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288, đích thân ông đã đặt chân đến vùng đất Tràng Kênh và các làng xã lân cận để bày trận đón đánh sự rút chạy của đội quân xâm lược Nguyên Mông, làm nên chiến thắng vĩ đại Bạch Đằng lần thứ 3 năm 1288.

Tháng 3/1288, biết được ý đồ rút quân bằng đường thuỷ qua sông Bạch Đằng của quân địch, Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị một trận địa mai phục lớn trên sông. Các loại gỗ lim, táu… đã được đốn ngã trên rừng kéo về bờ sông và được đẽo nhọn cắm xuống lòng các cửa sông dẫn ra biển làm thành những bãi chông lớn.

Các cánh quân thuỷ bộ bí mật mai phục sau dãy núi đá Tràng Kênh dọc bờ sông Bạch Đằng. Sáng ngày 9/4/1288, khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua bỏ chạy. Trúng kế, thuyền giặc di chuyển vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tiến vào bãi cọc.

Quân ta đợi cho thủy triều xuống mới quay thuyền lại và đánh thẳng vào đội hình địch. Thủy quân Đại Việt từ các hướng nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính tạo thành một dải thuyền chặn đầu thuyền địch ngang trên sông.

Quân Nguyên Mông bị mắc kẹt, tổn thất nặng nề, nhiều chiến thuyền bị cháy rụi và đâm phải cọc nhọn. Một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ sông để tìm đường trốn chạy nhưng đều rơi vào ổ phục kích của quân nhà Trần, bị chặn đánh kịch liệt. Chỉ trong vòng 1 ngày, hơn 600 chiến thuyền và khoảng 6 vạn quân địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân dân nhà Trần đại thắng.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là đỉnh cao chói lọi của sức mạnh và nghệ thuật quân sự của quân dân Đại Việt thế kỷ thứ 13, thể hiện tài thao lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng kiệt xuất, nhà chiến lược lỗi lạc của dân tộc ta. Ông không chỉ được nhân dân Việt Nam tôn thờ như một bậc thánh nhân mà còn được thế giới công nhận là một trong mười vị tướng giỏi nhất mọi thời đại.