Thành phố Hải Phòng

CN: 15°C
T2: 14°C
T3: 14°C
T4: 21°C
T5: 23°C
T6: 21°C
T7: 17°C

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ


Ngày 3-5, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên sẽ chính thức được khởi công, đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Hải Phòng giải phóng. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, nhận được sự đồng tình rất cao của người dân, nhằm lưu giữ những chiến tích hào hùng của cha ông, khơi gợi lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay, tạo thành sức mạnh tinh thần vô giá trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, đất nước…

Di sản thế giới đặc biệt

Cuối năm 2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Từ kết quả khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ học… đã làm sáng rõ nhiều vấn đề và khẳng định: bãi cọc Cao Quỳ có niên đại từ cuối thế kỷ XIII, là chứng tích trực tiếp của quân dân nhà Trần trong chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3 năm 1288 đánh đuổi đế quốc Nguyên Mông.

Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được khai quật cuối năm 2019

Tiếp theo sự kiện kỳ diệu trên, đầu năm 2020, người dân xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên tiếp tục phát hiện được 13 cọc gỗ tại khu Đầm Thượng. Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp và bước đầu nhận định bãi cọc gỗ này có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Những nghiên cứu lịch sử từ xưa tới nay đều khẳng định, địa phận thành phố Hải Phòng ngày nay là địa bàn trung tâm, trọng yếu của cả 3 trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Trải dài phía hữu ngạn sông Bạch Đằng, chính là những trận địa cọc, nơi đóng đại bản doanh, tích trữ lương thảo, bài binh bố trận, là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh của Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo.

Đặc biệt, các chiến thắng của dân tộc ta trên dòng sông Bạch Đằng gắn liền với trận địa độc đáo, có 1 không 2 trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đó là trận địa cọc gỗ, vận dụng linh hoạt quy luật lên xuống của con nước thủy triều vùng cửa biển, trong đó có sự đóng góp trực tiếp, lớn lao của nhân dân Hải Phòng vào các cuộc đại chiến thắng.

Trên cơ sở các căn cứ khoa học và thực tiễn, tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP (tháng 2-2020), đã thống nhất thông qua chủ trương khoanh vùng bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá đến Bến Rừng, với chiều dài khoảng 15km, chiều rộng từ mép sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng khoảng từ 2-3km tùy từng đoạn trên địa bàn thị trấn Minh Đức, các xã Gia Đức, Gia Minh, Lưu Kỳ, Lưu Kiếm, Liên Khê, Lại Xuân…

Trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, hạn chế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị quy mô lớn, không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới; rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ học để xác định các di tích liên quan. Cùng với đó, thành phố lập quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳ để quản lý, xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, khoanh vùng, quy hoạch khu vực này có ý nghĩa quan trọng, để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất và con người Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.

Đây cũng là những bước đi đầu tiên tiến tới lập đề án tổng thể, nghiên cứu toàn diện trận chiến Bạch Đằng và đề xuất xếp hạng di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới.

Đầu tư xứng tầm

Song song với công tác quy hoạch, thành phố thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường và khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, nhằm từng bước thực hiện công tác bảo tồn và khai thác các khu di tích lịch sử Bạch Đằng, phát huy giá trị truyền thống oai hùng của dân tộc; đáp ứng nhu cầu giao thông cho nhân dân từ QL10 đến bãi cọc Bạch Đằng.

Những quyết định đúng đắn và kịp thời trên đã mở lối cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt của khu di tích đồng thời cải thiện môi trường, cảnh quan, tăng khả năng khai thác cho hoạt động phục dựng di tích lịch sử Bạch Đằng. Qua đó, dự án thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện Thủy Nguyên-động lực phát triển vùng phía Bắc của thành phố.

Đây còn là trục đường quan trọng kết nối các khu vực phòng thủ dọc phía bắc, đáp ứng khả năng độc lập tác chiến cao, góp phần củng cố, tăng cường về quốc phòng-an ninh, nhận được sự đồng tình rất cao của toàn nhân dân thành phố trước đầu tư xứng tầm đối với một di sản thế giới.

Công tác chuẩn bị lễ khởi công được huyện Thủy Nguyên gấp rút chuẩn bị

Theo đó, toàn bộ diện tích khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ là 30.680m2, bao gồm các hạng mục: nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật; khu vực khai quật; khu bảo tồn tại chỗ; khu vực khảo cổ; đất cây xanh, đường giao thông nội bộ, đường dạo và sân; nhà bảo vệ, nhà vệ sinh…

Riêng công trình nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có quy mô 1 tầng, được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống nhưng mang tính thời đại, công năng được tối ưu với tỷ lệ cân đối, hài hòa không gian chung. Cách bố trí, trưng bày khoa học về toàn bộ giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ có định hướng sẽ giúp phát huy hết giá trị của di tích, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, du khách. Kết cấu các hố cọc được lát gạch giếng đáy, vữa bê tông xi măng.

Đối với tuyến đường vào khu bảo tồn, có chiều dài 3,488km với diện tích sử dụng đất (cả bãi đỗ xe) là hơn 108.000m2, qua 2 xã Lưu Kỳ và Liên Khê, trong đó điểm đầu tuyến là nút giao QL10. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 427 tỷ đồng.

Các hạng mục được thiết kế theo tinh thần giữ nguyên hiện trạng, bảo đảm cảnh quan,  không hiện đại hóa làm mai một các giá trị truyền thống…, bảo đảm các nguồn vốn đầu tư được sử dụng tiết kiệm, thiết thực, ý nghĩa nhất.

Theo UBND huyện Thủy Nguyên (chủ đầu tư dự án), đến nay dự án đã hoàn thành xong các thủ tục, trình tự về đầu tư xây dựng. Đặc biệt, dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân, trong đó trực tiếp là nhân dân 2 xã Liên Khê và Lưu Kỳ. Đông đảo nhân dân huyện Thủy Nguyên và thành phố rất vui mừng, phấn khởi khi dự án được thực hiện khẩn trương.

Riêng công tác GPMB, chỉ trong một thời gian ngắn, huyện đã chi trả tiền đền bù (đất đai, cây cối hoa màu, vật kiến trúc…) cho 300 hộ dân với giá trị 47,235 tỷ đồng, đủ điều kiện 100% về mặt bằng để triển khai thi công.

Có thể nói, việc phát hiện, khai quật các bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên vô cùng có ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Nói như đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, đây chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Do đó, cần xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần, mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, không chỉ vững mạnh về kinh tế xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.

Để nói đến Hải Phòng là nói về thành phố Cảng, một thành phố đang trên đường CNH-HĐH mạnh mẽ nhưng trong ký ức của các thế hệ người dân Việt Nam, không thể nào và không bao giờ lãng quên những chiến thắng vĩ đại, oanh liệt của cha ông trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

THỦY NGUYÊN

Nguồn: Cổng tin tức thành phố Hải Phòng