Thành phố Hải Phòng

CN: 20°C
T2: 18°C
T3: 15°C
T4: 14°C
T5: 14°C
T6: 14°C
T7: 20°C

Hai bãi cọc mới phát lộ được cho là cọc gỗ chiến trận


Sau một thời gian tiến hành khai quật khẩn cấp bãi cọc khu vực Đầm Thượng (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), các nhà khảo cổ phát hiện, khai quật khoảng 30 cọc, được cho là cọc gỗ chiến trận.

Từ tháng 2.2020 đến nay, Viện Khảo cổ học phối hợp cơ quan liên quan tiến hành khai quật khẩn cấp bãi cọc khu vực Đầm Thượng (xã Lại Xuân, Thủy Nguyên), phát hiện 30 cọc gỗ.

Cận cảnh cọc gỗ khai quật tại ao cá nhà ông Đào Văn Đến vào tháng 2.2020. Ảnh Đặng Luân.

Ghi nhận của PV Lao Động chiều 16.6, ngoài 15 cọc được phát hiện tại ao cá ông Đào Văn Đến, đoàn khảo cổ tìm thấy nhiều cọc gỗ ở ao nhà ông Bùi Văn Hay (sống cạnh nhà ông Đào Văn Đến). Tổng số cọc phát hiện đến thời điểm này là 30 cọc. Ngoài một số cọc đang trong quá trình nghiên cứu, hầu hết các cọc gỗ đều được bảo quản bọc vải, đắp đất kỹ lưỡng, tránh tác động của môi trường.

 

Hai cọc gỗ lớn cắm thẳng, đóng rất chắc chắn. Ảnh Đặng Luân.

Theo báo cáo sơ bộ của đoàn nghiên cứu: 

Ngày 9.2.2020, gia đình ông Đào Văn Đến (ở thôn 11, xã Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao trong quá trình thu hoạch cá. Ngày 12.2, Viện Khảo cổ học phối hợp UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khảo sát khu vực phát hiện cọc và cho rằng các cọc gỗ tại ao nhà ông Đến có giá trị trong việc nghiên cứu. Ngày 20.2, Sở Văn hóa – Thể thao báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấp phép khai quật khẩn cấp bãi cọc khu vực Đầm Thượng.

Ngoài bãi cọc tìm thấy tại ao cá ông Đào Văn Đến, đoàn khảo cổ phát hiện thêm một bãi cọc nằm ngay cạnh với hơn 10 cọc gỗ kích thước khác nhau. Ảnh ĐL.

Cũng trong tháng 2.2020, các nhà khảo cổ phát hiện bãi cọc ở ao cá nhà ông Bùi Văn Hay (giáp với ao cá nơi phát lộ bãi cọc của gia đình ông Đào Văn Đến). Khảo sát ban đầu, 2 bãi cọc vừa được phát lộ và khai quật khoảng 30 cọc.

Bãi cọc nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc và các núi trên sông Kinh Thầy. Tính chất quân sự của bãi cọc thể hiện ở các cọc lớn, xen lẫn cọc nhỏ, được đóng rất chắc chắn xuống vùng đầm lầy ở phần giáp ngã ba sông, trong khi các cọc nhỏ hơn được đóng phía sau, trong phạm vi rất rộng cho thấy tính chất một trận địa vừa nhằm mục đích phòng thủ, ngăn chặn vừa nhằm tiêu diệt sinh lực địch.

Còn theo TS Lê Thị Liên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học Việt Nam), một điểm tương đồng ở nhiều cọc gỗ tại Đầm Thượng là cứ cách khoảng 10cm có đục mộng vuông không theo quy luật.

Tổng số cọc gỗ phát hiện tại khu vực Đầm Thượng đến thời điểm này là 30 cọc. Ảnh ĐL.

Vừa qua, tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp di tích bãi cọc Đầm Thượng tổ chức sáng 14.6 ở Hải Phòng, các nhà khoa học trao đổi, phân tích và cho rằng bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm chiến trận của quân dân ta thời xưa, nhưng để xác định là thời điểm nào thì phải được kiểm định chính xác.

Các cọc gỗ được bảo quản trước tác động của môi trường. Ảnh ĐL.

Các cọc gỗ được phát lộ nghi có liên quan đến trận Bạch Đằng 1288. Ảnh ĐL.

Các nhà khoa học đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học tại một số di tích thuộc khu vực tổng Trúc Động xưa (nay là huyện Thủy Nguyên) và các khu vực lân cận ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để xây dựng hồ sơ đầy đủ các di tích liên quan hoặc cùng loại ở khu vực này. Đồng thời, nghiên cứu chuyên sâu làm rõ giá trị giả thiết đặt ra về chức năng, chủ nhân, niên đại của di tích và mối liên hệ với các di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang.

Trên cơ sở đó, đề nghị UBND thành phố Hải Phòng có phương án cụ thể bảo tồn, bảo quản di tích tiến tới lập hồ sơ công nhận di tích đối với bãi cọc Đầm Thượng nói riêng và quần thể di tích gắn với trận chiến trên sông Bạch Đằng nói chung.

Sau khi lấy mẫu phân tích, các cọc gỗ được bảo quản bằng vải trước tác động môi trường.

ĐẶNG LUÂN

Nguồn: Cổng tin tức Hải Phòng