Thành phố Hải Phòng

T4: 19°C
T5: 22°C
T6: 22°C
T7: 19°C
CN: 18°C
T2: 17°C
T3: 16°C

Thêm những chứng tích quan trọng về chiến thắng Bạch Đằng lịch sử


Việc phát hiện, khai quật được bãi cọc Bạch Đằng tại địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) là vô cùng có ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử này còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Đó là khẳng định của Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang với sự tham dự của đông đảo các giáo sư, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực này được tổ chức sáng nay, 21-12, tại TP Hải Phòng.

Cọc Cao Quỳ

Như Nhân Dân điện tử đã đưa tin, một bãi cọc gỗ được cho là có liên quan đến chiến trường Bạch Đằng của quân và dân ta thời Trần trong chiến tranh chống xâm lược năm 1288 vừa được phát lộ bên sông Bạch Đằng (Hải Phòng). Sau khi phát hiện, TP Hải Phòng cùng với Viện Khảo cổ học Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan đã thực hiện khai quật di tích trên 950 m2 tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) phát hiện 27 cọc gỗ có niên đại vào những năm 1270-1430 được chôn trong lòng đất vốn là lòng sông xưa đã bị bồi lấp.

Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp với các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, các nhà khoa học bước đầu nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288– nơi quân và dân nhà Trần đã đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ

PGS,TS Lê Thị Liên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học Việt Nam) chia sẻ, đây là những chứng tích lich sử mà từ lâu các nhà khảo cổ đã đi tìm. Từ những cứ liệu lịch sử, văn hóa dân gian lưu truyền và những “lát cắt” khảo cổ từ thực tế cho thấy những phát hiện mới này có liên quan trực tiếp đến trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm xưa.

PGS,TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, thành viên nhóm tham gia khai quật di tích cho hay, những di tích lịch sử về văn hóa Đông Sơn tại huyện Thủy Nguyên cùng với các “mốc chứng” lịch sử và cứ liệu khoa học về niên đại xác định các mẫu vật đã góp phần bổ sung thêm các cứ liệu trong nhận định bước đầu về trận chiến Bạch Đằng trên mảnh đất này.

PGS, TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng, về địa tầng, địa chất và lạch triều khu vực này trong lịch sử đều thể hiện việc liên quan của di tích mới phát hiện với chiến thắng oai hùng và vang dội của nhà Trần trong trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 và có thể còn có nhiều bãi cọc tương tự tại khu vực này.

GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đều khẳng định, kết quả khảo cổ tại xã Liên Khê có một ý nghĩa đặc biệt lớn, giúp các nhà nghiên cứu và các cơ quan chức năng chuyên ngành nhận thức rõ hơn, đúng đắn và xác thực hơn về trận chiến Bạch Đằng vang dội của cha ông ta. Với các cứ liệu lịch sử, bản đồ và các tài liệu ghi chép được cũng như thực tế khảo cổ bước đầu xác định Thủy Nguyên cũng là một trung tâm chiến trường của chiến thắng Bạch Đằng Giang.

Sông Bạch Đằng chảy giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), là hợp lưu của nhiều nhánh sông tính từ thượng lưu nối với sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Đoạn chảy qua địa phận Hải Phòng dài khoảng hơn 20km, có lòng sông rộng, nước sâu. Từ cửa biển Nam Triệu – cửa biển lớn nhất nước ta thời phong kiến vào sông Bạch Đằng, tàu thuyền sẽ ngược Lục Đầu giang và thẳng tiến kinh thành Thăng Long. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc địa phận huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) có dãy núi đá Tràng Kênh hùng vĩ, với nhiều hang động, sông lạch, thung lũng, trước đây là những rừng cây rậm rạp, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí trận địa phòng thủ quốc gia. Trong sách “Dư địa chí” viết vào thế kỷ 15, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã nêu rõ: “Sông Bạch Đằng rộng 345 trượng, núi cao, nước rộng, sóng gió ngất trời, thực là một nơi hiểm yếu”. Trong bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu”, sông Bạch Đằng tiếp tục được Nguyễn Trãi ca ngợi: “Quan hà hiểm yếu trời kia đặt/ Hào kiệt công danh đất ấy từng”.

Lịch sử cổ trung đại Việt Nam còn ghi, vào thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13, trên dòng sông Bạch Đằng đã diễn ra ba trận thủy chiến ác liệt nhất chống quân xâm lược phương bắc. Các chiến công vang dội nơi đây gắn liền với thiên tài quân sự của ba vị Anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo. Những kỳ tích đó càng làm cho dòng sông Bạch Đằng trở nên linh thiêng, huyền bí và thu hút sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và các nhà sử học Việt Nam từ xưa tới nay.

Báo cáo kết quả khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, với sự phát hiện mới về bãi cọc tại khu vực sông Đá Bạc và ý kiến của các các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đầu ngành của đất nước là cơ hội để hậu thế tiếp nối quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; nhằm khẳng định hơn nữa vai trò của dòng sông Bạch Đằng, của vùng đất Hải Phòng, của con người Hải Phòng trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Nhiều vị tướng lĩnh có công trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng được lưu danh cùng sử sách, nhân dân nhiều địa phương ở Hải Phòng lập đền thờ, lưu giữ chứng tích và hương khói trong suốt ngàn năm qua. Những “chứng tích” lịch sử mới phát hiện tại Hải Phòng không chỉ đóng vai trò quan trọng với ngành khảo cổ học Việt Nam mà còn mang lại niềm phấn khởi, tự hào cho các tầng lớp nhân dân Hải Phòng.

Cùng với di tích lịch sử đã phát hiện tại Quảng Ninh trước đó và Hải Phòng mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục khảo sát tổng thể để có thể thấy tầm vóc, ý nghĩa, cũng như công lao đóng góp của nhân dân các địa phương trong khu vực trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và cũng là sự tôn trọng công đức lớn lao của cha ông ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Đồng thời có những giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử lớn lao này.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học, các chuyên gia, TP Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên); khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực. Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố và đất nước trong thời đại mới.

NGÔ QUANG DŨNG

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử