Thành phố Hải Phòng

T6: 15°C
T7: 15°C
CN: 15°C
T2: 18°C
T3: 20°C
T4: 19°C
T5: 18°C

Lê Đại Hành – Vị hoàng đế mở đầu lễ tịch điền


(PLO) -Tịch điền xưa là một lễ lớn mang ý nghĩa khuyến nông do hoàng đế trực tiếp thực hiện. Ở nước ta, vị vua đầu tiên thực hiện lễ này là Lê Đại Hành, người sáng lập ra vương triều Tiền Lê. Bên cạnh lễ này là một câu chuyện lý thú nhưng không mấy người được biết.

Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), xuất thân từ nhà thường dân, cha là Lê Mịch làm nghề đơm đó, mẹ là Đặng thị (không rõ tên), còn dân gian gọi là Đặng Thị Sen, bà làm công quả quét sân chùa, do đó với có câu truyền tụng về vua như sau: “Cha đó cá, mẹ lá chùa”.

Lễ tịch điền đầu tiên

Lê Đại Hành đăng quang ngôi vị tháng 7 năm Canh Thìn (980), quần thần dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng vận thần vũ thăng bình chí nhân quảng hiếu hoàng đế. Ông ở ngôi đến tháng 3 năm Ất Tị (1005) thì mất, làm vua được 25 năm, thọ 64 tuổi; trong thời gian ở trên ngai vàng đã sử dụng 3 niên hiệu là Thiên Phúc, Hưng Thống và Ứng Thiên.

Đánh giá về công tích của Lê Đại Hành, sử sách có lời bình xét như sau: “Lê Đại Hành cầm quyền tướng quân 10 đạo, giữ chức nhiếp chính, vua bé nước nguy, nhân thời chịu mệnh; giết vua Chiêm Thành để rửa cái nhục sứ thần bị bắt, phá quân Triệu Tống, làm nhụt cái mưu xâm lăng.

Dùng bọn Hồng Hiến, Cự Lạng, Từ Mục, Tử An để làm tả hữu. Cày ruộng tịch điền ở Long Đọi, mời người xử sĩ ở Tượng Sơn, kén dùng hiền tài, lập ra học hiệu, có đại lược của bậc đế vương” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Trong Lịch triều hiến chương loại chí đánh giá Lê Đại Hành như sau: “Vua phá Tống, bình Chiêm, khiến cho cả Hoa Hạ và  Man Di đều sợ hãi. Trung Quốc đã mấy lần sách phong khen ngợi vua, khiến cho tiếng tăm của vua trở nên lừng lẫy. Nói về việc trị nước thì nhà vua luôn chăm lo đến những điều cần của dân, dốc lòng lo cho chính sự, trọng nông nghiệp, cẩn trọng nơi biên cương, quy định pháp chế, tuyển dân làm lính, lại còn đổi chia các trấn, quả là rất cố gắng, chăm chỉ”.

Những từ “cày ruộng tịch điền ở Long Đọi” hay “trọng nông nghiệp”… chính là nhắc đến chính sách khuyến nông của Lê Đại Hành và tiêu biểu là lễ cày tịch điền do ông thực hiện.

ADVERTISEMENT

Sách Đại Việt sử lược, tác phẩm sử học cổ nhất còn giữ được đến ngày nay có đoạn cho biết về sự kiện cày tịch điền như sau: “Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Phúc năm thứ 7 (987) vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở Đội Sơn, được một lọ vàng bạc, cày ở núi Bà Hối được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng Kim Ngân”.

Về địa danh nơi cày tịch điền, sách sử chép có khác biệt đôi chút nhưng đều nhắc đến chuyện Lê Đại Hành đi cày tịch điền, hai lần đều được vàng bạc ở ruộng cày. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đinh Hợi (Thiên Phúc năm thứ 8 [987], Tống Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”.

Các sách khác cũng có ghi chép tương tự, như Việt sử tiêu án chép: “Vua ra cày ruộng tịch điền ở núi Đội Sơn, bắt được một chum vàng, lại bắt được một chum bạc ở Bàn Hải, vì thế đặt tên ruộng ấy là ruộng kim ngân”.

Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn cũng có đoạn ghi: “Mùa xuân. Nhà vua cày ruộng tịch điền. Ban đầu, nhà vua cày ruộng ở Đội Sơn, được một lọ vàng; sau lại cày ở núi Bàn Hải, được một lọ bạc; do đó đặt tên là “ruộng Vàng, ruộng Bạc”. 

Đội Sơn hay Đọi Sơn, Long Lĩnh là tên gọi khác của núi Long Đội nay thuộc  xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Còn núi Bàn Hải (hay núi Bà Hối) thì không rõ ở đâu nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì chỗ đó có thể gần với khu vực núi Đọi Sơn.

Bà Hối là từ Hán Việt, trong đó Bà có nghĩa là bạc, trắng, còn Hối là của cải, có lẽ có liên quan đến việc tại đây khi cày đã được một hũ bạc. Ý kiến khác thì đặt giả thiết núi Bà Hối có thể là tên khác của núi Điệp Sơn, cũng gọi là núi Kim Ngưu vì hình dáng giống con đang trâu nằm, núi này nằm cách núi Đọi Sơn không xa.

Vua Lê và chuyện chọn vàng bạc hay cơm gạo

Muốn cho nước mạnh dân giàu thì quan trọng nhất là có cái ăn, muốn có cái ăn rồi cao hơn nữa là dư thừa lương thực thì phải quan tâm đến nông nghiệp; muốn nông nghiệp phát triển phải có chính sách tốt.

Câu chuyện đi cày tịch điền, lại cày được lọ vàng chĩnh bạc của vua Lê Đại Hành, sử sách chỉ chép mà không có lời bình, nhưng cũng có người cho đó là mẹo của vua. Người ta đồn đoán rằng Lê Đại Hành đã bí mật sai người chôn sẵn vàng bạc ở dưới ruộng cày, đến khi vua cày thì lộ ra vàng bạc để dân chúng trông thấy mà hứng khởi với việc nông tang.

Suy đoán nói trên không phải là không có cơ sở, hiện nay ở vùng Mỹ Thọ (thuộc tỉnh Hà Nam) vẫn truyền tụng về câu chuyện vua Lê dùng mẹo khuyến nông. Xin lược thuật như sau:

Mặc dù đã ban chiếu khuyến nông, lại đặt ra chức quan Đô sứ để đốc thúc việc nông tang nhưng sau những chuyến đi tuần du, Lê Đại Hành vẫn thấy còn nhiều ruộng đất bị bỏ hoang. Một lần trong buổi thiết triều, vua nói với quần thần rằng: “- Ta thấy ruộng đất bỏ hoang còn nhiều lắm, muốn dân khai hoang, trồng cấy thì chỉ có cách đem vàng bạc trong kho chôn rải rác ở những nơi đất đai màu mỡ mà khuyến dụ họ. Theo các khanh, việc này có nên chăng?”

Triều thần nghe vua nói vậy cho rằng không nên bởi vàng bạc là thứ quý báu không thể ban phát bừa bãi được, hơn nữa để trong kho tàng để dùng cho những lúc hữu sự. Chẳng ai lại đem vàng bạc đi để khích lệ khai thác đất đai, cái thu về cũng chỉ là thóc gạo, ngô khoai, sánh sao được với vàng bạc.

Thấy bá quan nói vậy, Lê Đại Hành chỉ ầm ừ cho qua rồi bàn sang chuyện khác. Cứ thế hết việc này đến việc khác, toàn những việc hệ trọng, vua tôi cùng nhau thảo luận và nhà vua dường như say mê đến độ quên cả thời gian.

Gần trọn một ngày mà thấy vua vẫn lo việc nước, không đả động gì đến chuyện nghỉ ngơi, ăn uống, các quan bụng sôi lên mà chẳng dám nhắc, mãi đến khi không chịu nổi, một viên quan mới buột miệng kêu đói. Lúc đó, Lê Đại Hành giả bộ giật mình truyền quan ngự thiện cho người mang đồ ăn cho vua quan dùng tạm.

Quan ngự thiện như đã được dặn trước, vội sai đầu bếp bưng lên một đĩa xôi lớn còn nóng tỏa mùi thơm phức, lại bưng ra một mâng vàng thoi sáng lóa. Cả ngày chưa có gì vào bụng, vừa đói vừa mệt, được nhà vua ban đồ ăn, các quan chẳng còn câu nệ gì lập tức bốc xôi ăn, chẳng ai đoái hoài gì đến mâm vàng để bên.

Bấy giờ Lê Đại Hành mới cười, nói với triều thần: “- Bây giờ các khanh thấy xôi quý hay vàng quý?” Mọi người đồng thanh nói xôi quý hơn vàng. Nghe vậy, vua nói tiếp: “- Nếu vậy thì mang vàng bạc đem chôn ở ruộng đất cần khai phá để trồng cấy lấy thóc lúa, có cái ăn là điều nên làm phải không?”

Khi ấy, bá quan đều hiểu được cái ý sâu xa của nhà vua, cùng đồng thanh hô “vạn tuế” để tỏ lòng kính phục. Sau đó, các quan theo lệnh vua bí mật cho người đem vàng bạc chôn rải rác tại những đất đai cần khai phá rồi đi rao gọi: “Cày đất hoang mà lấy vàng thần để”, “vỡ ruộng cằn để lấy bạc trời cho”. 

Dân chúng đồn nhau về việc đó, có người tỏ ý nghi ngờ nhưng cũng có người khi vỡ đất khai hoang, cày ruộng lại có được vàng, được bạc vì thế họ hồ hởi, đua nhau khai hoang phục hóa. Để khích lệ người dân, đích thân Lê Đại Hành ra vùng ruộng ở dưới chân núi Đọi làm lễ tịch điền. Nhà vua xuống ruộng cày ba sá, lưỡi cày xới đất làm lộ ra một lọ vàng, vua lấy vàng tung hết ra những khu đất quanh đó và truyền bảo: “- Ai cày ở những đất này thì ta ban thưởng cho số vàng đã gửi vào đó!”

Người ta tranh nhau cấy trồng, cày bừa để mong được vàng, được bạc nhà vua ban thưởng, nhờ đó khắp nơi chăm lo ruộng đất, chẳng bao lâu mùa màng bội thu, lúa tốt đầy đồng, ngô khoai, sắn, đỗ dư thừa giúp cho dân no nước mạnh.

Đó chính là câu chuyện hay bên những dòng ghi chép trong chính sử về lệ cày tịch điền do Lê Đại Hành mở đầu, đặt nền móng cho một mỹ tục được tiếp nối dài lâu, là một trong những biện pháp khuyến nông tốt đẹp của các triều đại phong kiến Việt Nam…/.

Lê Thái Dũng
Nguồn: Báo Pháp luật