Thành phố Hải Phòng

T2: 18°C
T3: 18°C
T4: 16°C
T5: 15°C
T6: 15°C
T7: 22°C
CN: 23°C

Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, Anh hùng dân tộc kiệt xuất


Quốc công tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn là người có tài năng quân sự tuyệt vời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở sự nhận thức rất rõ dân ta là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trần Hưng Đạo

Hơn bảy trăm năm trước, cả Á, Âu đang trong cơn kinh hoàng, khiếp đảm về cái họa Tác-ta (giặc Mông), khi chúng lướt trên vó ngựa viễn chinh tàn phá hết nước này sang nước khác. Từ Thái Bình Dương đến tận bên bờ Ðịa Trung Hải, khắp Á, Âu chưa có một danh tướng nào cản được.

Vậy mà ở miền đông nam châu Á, lũ giặc Tác-ta ấy đã phải kinh hồn, lạc phách trước ý chí chiến đấu và tài nghệ quân sự tuyệt vời của quân dân Ðại Việt dưới sự chỉ huy thiên tài của Quốc công tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn.

Công lao to lớn của Ngài, ba lần chỉ huy quân dân Ðại Việt cản phá quân xâm lược Nguyên – Mông hung bạo, đánh cho chúng thất điên bát đảo, Trấn Nam vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng có người kéo qua biên ải mới thoát chết. Trần Hưng Ðạo sinh ngày 10-12-1228 (Mậu Tý), là con An Sinh Vương Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông – Trần Cảnh).

Trần Hưng Ðạo dung mạo hùng vĩ, thông minh hơn người, xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, chuyên tâm nghiên cứu lục thao tam lược của người xưa và dành cả tâm huyết và hiểu biết để viết các tác phẩm: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Hịch tướng sĩ để dạy các tướng cầm quân đánh giặc, khích lệ lòng yêu nước của quân dân Ðại Việt.

Trần Hưng Ðạo luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước trên lợi ích của nhà, luôn luôn vun trồng cho khối đoàn kết giữa tôn tộc nhà Trần, để tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng, đủ sức đè bẹp quân thù nguy hiểm.

Năm 2000, Hội thảo 700 năm ngày mất của Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “… Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ 13, Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngài là một nhà chính trị – quân sự đại tài, được vua Trần tin yêu, giao quyền Tiết chế, thống suất cả vương hầu, tông thất, tướng lĩnh, điều động binh nhung, khí giới.

Khi quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ nhất (1258), Ngài được cử chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Ngài được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc.

Bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở quyết tâm diệt địch và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất, Ngài vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân.

Ðặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, quân xâm lược đã chiếm được nhiều địa bàn trọng yếu, trong đó có cả Kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường, nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần đã có người nao núng, hàng giặc, Trần Quốc Tuấn vẫn hiên ngang bất khuất, giữ vững lòng tin son sắt vào thắng lợi.

Câu nói bất hủ của Ngài: “Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu thần đi đã”, đã nêu một tấm gương lớn về tinh thần quyết chiến và ý chí “Sát Thát” trước triều đình, trước toàn quân và toàn dân ta.

Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở sự nhận thức rất rõ dân ta là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngài chủ trương: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”.

Trần Hưng Ðạo xem việc đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh. Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi. Ngài xác định: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức” là nhân tố đã làm cho “quân địch phải chịu bị bắt” (bị tựu tự cầm). Ngài rất coi trọng đoàn kết quân và dân, đoàn kết trong quân đội “như cha con một nhà”. Chính nhờ nguồn sức mạnh đó mà dân tộc Việt Nam đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng khốc liệt do đế quốc Nguyên – Mông gây ra.

Trần Quốc Tuấn là vị thống soái có tài năng quân sự tuyệt vời. Nắm vững yêu cầu chiến lược lấy nhỏ thắng lớn, cả nước đánh giặc, Ngài chủ trương lấy đoản binh chống trường trận, xem đó là điều thường trong binh pháp nước ta; kết hợp tác chiến của quân triều đình với tác chiến và đấu tranh của lực lượng quân dân các địa phương: “tiểu dân thanh dã, đoản binh phục hậu”.

Cái tài giỏi của Trần Quốc Tuấn là biết chuyển tình thế từ hiểm nghèo thành thuận lợi, xoay chuyển thế trận tạo nên thời cơ. Và khi thời cơ đến thì chuyển sang phản công, tiến công; chọn đúng hướng, đúng mục tiêu, đánh những trận quyết định, khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị thất bại.

Tài thao lược của Trần Quốc Tuấn nổi bật là tính chủ động và linh hoạt “biết người, biết mình”, chủ động điều địch, chủ động đánh địch, “xem xét quyền biến… tùy thời mà làm”. Câu trả lời của ông với vua Trần Nhân Tông: “Năm nay đánh giặc nhàn” khi quân Nguyên tiến công xâm lược lần thứ ba (1288), chứng tỏ vị chủ tướng đã biết rõ địch, biết rõ ta, phân tích sâu sắc tình hình thực tiễn và làm chủ được quy luật của chiến trận. Trong cuộc kháng chiến này, giặc chưa bị đánh lớn mà đã sợ hãi rút chạy, rốt cuộc bị tiêu diệt trên sông Bạch Ðằng và ở biên giới. Ðó là kết quả kỳ diệu của phương pháp dùng binh độc đáo của Trần Hưng Ðạo.

Nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại phong kiến. Người đề ra và vận dụng thiên tài chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân đó không ai khác là Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta, đã xuất hiện hình thái thế trận của dân chúng đánh giặc ở khắp các xóm làng, kết hợp chiến đấu của quân triều đình với quân các lộ và dân binh, tiêu diệt địch trong những trận lớn, xây dựng một thế trận rộng mà sâu, mạnh mà vững, luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, tạo nên sức mạnh to lớn, chiến thắng quân thù.

Trần Quốc Tuấn không chỉ là vị thống soái lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến mà còn là một nhà lý luận, một nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng, từ lời Hịch kêu gọi tướng sĩ đầy khí phách hiên ngang đến bản Di chúc lịch sử, những nội dung tư tưởng tiên tiến ấy đã được khẳng định. Ngài đã dày công nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của dân tộc, học tập những tư tưởng quân sự tiến bộ của nước ngoài, rút ra những điều tinh túy, kết hợp với những tri thức quân sự từ thực tiễn chỉ đạo chiến tranh của mình, thành những bộ binh thư có giá trị nhằm phục vụ sự nghiệp giữ nước.

Trần Quốc Tuấn đã để lại cho đời nhiều tác phẩm lý luận quân sự có giá trị, khẳng định một bước phát triển quan trọng của khoa học quân sự Việt Nam. Với Trần Quốc Tuấn, một học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại phong kiến đã hình thành, học thuyết quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước. Chính trên cơ sở này, Lê Lợi – Nguyễn Trãi phát triển thành học thuyết quân sự dân tộc trong khởi nghĩa nông dân, chiến tranh giữ nước.

Những quan điểm tư tưởng chính trị – quân sự dựa vào dân, khoan thư sức cho dân, về xây dựng khối đại đoàn kết trong hoàng tộc và triều đình, trong toàn quân và cả nước, về phương châm chiến lược “dĩ đoản, chế trường” (lấy ngắn trị dài), “quân đội cốt tinh không cốt nhiều, trên dưới một dạ như cha con…” là những tư tưởng tiên tiến, đúng đắn và sáng tạo, vượt thời đại mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.

Trần Hưng Đạo là anh hùng kiệt xuất, không chỉ về tài năng quân sự mà còn có đạo đức tiêu biểu của một vị chủ tướng. Ngài luôn nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa, ý thức gạt bỏ mọi hiềm khích riêng tư để đoàn kết tông thất, triều đình và tướng lĩnh, tạo nên một cội nguồn của thắng lợi. Ngài chủ trương “bạt dụng lương tướng” dùng người hiền lương, biết chọn và đào tạo tướng giỏi, thường trọng dụng và tiến cử những người tài giúp nước.

Ngài quý trọng những người cộng sự, thương yêu binh lính và họ cũng hết mực trung thành với Ngài, đội quân phụ tử của Ngài đã trở thành đội quân bách thắng. Triều đình nhà Trần đã xây dựng nên một đội ngũ tướng lĩnh kiên cường, tài giỏi, đoàn kết nhất trí, phần đông là văn võ song toàn. Lịch sử đời đời ghi nhớ chiến công và thành tích của các vị tướng như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Ðỗ Khắc Chung cho đến Yết Kiêu, Dã Tượng

Hưng Ðạo Ðại Vương đã để lại cho dân tộc ta tư tưởng chính trị tiến bộ và tài thao lược bất hủ – để đời này sang đời khác, dân tộc ta đã vận dụng và đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp bội.

Mùa thu tháng tám, ngày 20 năm Canh Tý (1300) “Bình Bắc Ðại nguyên soái” Hưng Ðạo Ðại Vương qua đời. Theo lời Ngài dặn, thi hài Ngài được hỏa táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ.

Vua Trần Anh Tông truy tặng Ngài: Thái sư Thượng Phụ Quốc Công Nhân Vũ Hưng Ðạo Ðại Vương. Nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Ðạo Ðại Vương và suy tôn Ngài là Ðức Thánh Trần.

Vương triều Trần, một triều đại “võ công, văn trị” oai hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với 175 năm trị vì đất nước, Vương triều Trần đã làm nên những chiến công lừng lẫy, chiến thắng giặc Nguyên – Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Triều Trần đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển của nền văn minh Ðại Việt, để lại cho đời sau biết bao bài học quý báu.

Vương triều Trần mà tiêu biểu nhất là Anh hùng dân tộc vĩ đại Trần Hưng Ðạo đã đi vào lịch sử, đi vào thế giới huyền thoại, đi vào thế giới tâm linh, trở thành vị “Thánh” được toàn thể nhân dân ta thờ phụng. Từ Trần Hưng Ðạo đến Ðức Thánh Trần rồi Ðức Thánh Cha, từ một nhân vật lịch sử “bằng xương bằng thịt” đã trở thành vị thánh thiêng liêng được thờ phụng rộng rãi và phổ biến nhất trong các vị thần VN.

Theo Tuổi Trẻ