Thành phố Hải Phòng

T7: 14°C
CN: 17°C
T2: 22°C
T3: 23°C
T4: 18°C
T5: 17°C
T6: 16°C

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học lần thứ 55 tại Thành phố Hải Phòng


Từ ngày 28 đến 30 tháng 9 năm 2020, tại thành phố Hải phòng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy Ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị Thông báo Khảo cổ học lần thứ 55. Đây là hoạt động khoa học thường niên được tổ chức nhằm công bố những phát hiện mới về khảo cổ học khắp mọi miền cả nước. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, địa phương phát hiện di tích Bãi cọc Cao Quỳ nổi tiếng thời gian qua.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học là hoạt động khoa học hàng năm của ngành Khảo cổ học cả nước. Đây là sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Khảo cổ học nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua.
Hội nghị là diễn đàn khoa học nhằm thông báo, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học, giới thiệu đến công chúng và nhân dân, cung cấp các thông tin, vấn đề khảo cổ học mới, tiềm năng nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học và khoa học, xã hội và nhân văn. Và cũng là cơ sở đề xuất xây dựng các đề án, dự án, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội của đất nước và các địa phương.

Bai coc cao quy

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm hội nghị thành phố Hải Phòng từ ngày 28-30/9/2020. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 54 năm qua.

Tới dự khai mạc Hội nghị về phía Trung ương có PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, GS.TS Phạm Quang Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía thành phố Hải Phòng có ông Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng. Về phía Viện Khảo cổ học có TS. Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Trung ương, địa phương và hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Hội nghị là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tiếp cận, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực nghiên cứu khoa học của mình. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Viện Khảo cổ học trong việc đưa Hội nghị Khảo cổ học hàng năm về các địa phương, như là một hoạt động quảng bá cho ngành khảo cổ học Việt Nam vừa là cơ hội để mọi người đến được nhiều hơn với khảo cổ học Việt Nam.

Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng vui mừng thông báo với các đại biểu về những kết quả nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố trong thời gian qua. Hải Phòng là vùng đất có di tích đậm đặc với 879 di tích, trong đó 506 di tích đã được xếp hạng các cấp, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích quốc gia và 389 di tích cấp thành phố; 474 lễ hội và 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên địa bàn thành phố có 50 di tích thờ Ngô Quyền, 13 di tích thờ Lê Đại Hành, 81 di tích thờ Trần Hưng Đạo. Hải Phòng có các di chỉ khảo cổ học có giá trị tầm quốc gia đã được các nhà khoa học công bố như: Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà, di chỉ khảo cổ Cái Bèo,Tràng Kênh…

PGS.TS Bùi Văn Liêm – Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học báo cáo chung đánh giá về Hoạt động nghiên cứu khảo cổ học toàn quốc năm 2020. PGS.TS Bùi Văn Liêm cho rằng các nghiên cứu khoa học đã bổ sung những tư liệu rất mới/quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những thông báo của chúng ta cùng chung mục tiêu nghiên cứu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Những tư liệu từ các nhà khoa học là minh chứng khẳng định và bảo về vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Hội nghị lần này đã nhận được 341 bài viết là những phát hiện mới về khảo cổ học trong thời gian qua, trong đó có 105 bài về khảo cổ học tiền sử, 166 bài khảo cổ học lịch sử, 48 bài khảo cổ học Champa – Óc Eo, 16 bài khảo cổ học dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ. Đây là những phát hiện mới di tích, di vật đến những nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề xuyên suốt từ thời Tiền sử đến Lịch sử. Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiếp tục thảo luận tại các tiểu ban.

Các đại biểu thăm di tích Bạch Đằng Giang.

Đoàn cán bộ Trung tâm do đồng chí Phan Duy Thắng – Phó Giám đốc làm trưởng đoàn tham dự hội nghị. Những kết quả khai quật khảo cổ học khu chính điện Kính Thiên – Hoàng thành Thăng Long năm 2019 được thông báo tại Hội trường lớn trong phiên toàn thể. Các nhà khoa học rất quan tâm đến những kết quả khai quật này vì đây là một trong những thành tựu lớn trong nghiên cứu về thành Thăng Long trong suốt gần 20 năm qua.

Hội nghị thông báo Khảo cổ học là hoạt động được tổ chức thường niên, đây không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là dịp để các nhà khảo cổ học chuyên và không chuyên trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, các trường đại học, các Bảo tàng, các khu Di sản trong nghiên cứu khảo cổ học nói riêng, văn hóa nói chung.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà khoa học đã tham quan Di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) và Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Nguồn: Đài phát thanh và truyền hình Hải phòng