Thành phố Hải Phòng

T2: 30°C
T3: 29°C
T4: 27°C
T5: 26°C
T6: 26°C
T7: 25°C
CN: 25°C

Đền thờ Đức Vương Ngô Quyền


“Bạch Đằng sóng dội mấy ngàn năm

Giang san một cõi đế vương nằm…”

Câu thơ của một du khách đã từng đặt chân đến chốn linh thiêng này gợi nhắc cho ta bao điều xưa cũ. Câu chuyện về sông nước Bạch Đằng lịch sử hào hùng, về vị đức Vương được suy tôn là vị tổ Trung Hưng, có công phục quốc, khai sáng nền văn minh Đại Việt, mở ra kỉ nguyên phá Tống Bình Nguyên, đuổi Minh, một kỉ nguyên phát triển rực rỡ của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần…  như còn vẹn nguyên hào khí ở nơi đây- ngôi đền thờ đức vương Ngô Quyền.

Để tưởng nhớ công ơn của đức vương Ngô Quyền cùng quan quân tướng sỹ, những anh hùng liệt sỹ đã làm lên chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, đền thờ Đức Đại vương Ngô Quyền đã được xây dựng ở khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang năm 2011 trong niềm thành kính ngưỡng vọng thiêng liêng của người dân Tràng Kênh, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hơn 5 tháng đắp núi trồng rừng, đóng cọc lấn sông, dựng đền tạo bến… một cảnh quan hài hòa với thiên nhiên của đền thờ đức Vương Ngô Quyền đã hoàn thiện trong khuôn viên 5000m2 với điểm nhấn bến Rồng phía trước mặt.

Bước qua Ngũ Môn được làm từ đá xanh liền khối đục đẽo tinh xảo rộng chầu phượng múa- những hoa văn truyền thống của văn minh Văn Lang Âu Việt, du khách sẽ đến với khoảng sân rồng rộng 300m2 có tường đá bao quanh chạm khắc công phu. Giữa sân đền là đôi voi chúa bằng đá ong chầu, được tạc bằng đá ở chính quê hương Sơn Tây của Đức đại vương Ngô Quyền.

Đền thờ được xây dựng bằng gỗ lim theo kiểu chữ Đinh (), gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. 

Khu vực cấm cung là nơi thờ tượng đức Ngài. Pho tượng cao 2,2m, nặng 1,7 tấn được lấy nguyên mẫu từ tượng cổ tại đền Lương Xâm- nơi xưa là đại bản doanh của đức vương Ngô Quyền. Hai bên thờ chư vị quan văn quan võ, giữa tờ công đồng gia tiên, quan quân tướng sĩ… uy nghi và trang trọng.

Kiến trúc mang đậm nét truyền thống ở đền thờ Đức Vương Ngô Quyền là sản phẩm từ bàn tay tài hoa của những người thợ mộc Hải Dương, thợ đá Ninh Bình Thanh Hóa, thợ làm đồ thờ Vĩnh Bảo, Sơn Tây, thợ đúc đồng Ý Yên Nam Định…

Hàng năm, đúng ngày kỵ của đức Ngài 18 tháng Giêng và ngày khánh tân đền 1/11 âm lịch, đền lại mở đại lễ, thu hút khách thập phương và nhân dân về tỏ lòng thành chiêm bái.

Đứng ở ngôi đền quay hướng chính Đông, lưng tựa núi, mắt dõi biển Đông, nhìn ra cửa sông Bạch Đằng, phía tả có Thanh Long, phía Hữu có Bạch Hổ, huyền quang rộng lớn cả một vùng Đông Bắc, phía sau là thành phố Hải Phòng và vùng châu thổ sông Hồng- cái nôi của nền văn minh đất Việt, nghe câu chuyện oai hùng của đức vương Ngô Quyền xưa… ta lại càng  thấy tự hào và yêu hơn những giá trị thiêng liêng về tinh thần đoàn kết dân tộc và chủ quyền đất nước mà cha ông bao đời gìn giữ.

Ban quản lý di tích Bạch Đằng Giang