Nhà hát thành phố là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Hải Phòng, Nhà hát thành phố là nơi chứng kiến nhiều sự kiện cách mạng quan trọng của Hải Phòng và đất nước. Công trình còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và nghệ thuật.
Nhà hát thành phố. Ảnh: Đức Nghĩa
Sự ra đời của Nhà hát Hải Phòng
Theo tài liệu của Bảo tàng Hải Phòng, thành phố Hải Phòng thành lập ngày 19/7/1888 theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp và được xếp loại ngang thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Cũng trong những năm này, người Pháp đẩy mạnh việc xây dựng Cảng Hải Phòng. Sau khi đặt các cầu tầu vào năm 1885 đến năm 1887, Pháp cho đặt hệ thống đăng tiêu trên sông Cấm, lập kho chứa hàng (bến sáu kho), dựng đèn biển (Hòn Dấu) để hướng dẫn tàu bè ra vào. Như vậy, vào cuối thế kỷ 19, Hải Phòng đã trở thành một hải cảng, một trung tâm công nghiệp ở phía Bắc Việt Nam.
Cùng với xây dựng thành phố, người Pháp còn cho xây dựng các công trình văn hóa phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ của tư bản Pháp và quan lại bản xứ, tư sản Việt Nam. Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhóm giai cấp này ngày một lớn, đòi hỏi cần phải có một nhà hát. Sự ra đời của Nhà hát lớn Hải Phòng là một nhu cầu tất yếu.
Hiện, các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy tư liệu công bố Nhà hát lớn thành phố khởi công và khánh thành vào năm nào. Hiện nay, tại Bảo tàng Hải Phòng đang trưng bày bức ảnh Nhà hát lớn được chụp vào ngày 12/5/1909, có lẽ đây là hình ảnh sớm nhất về Nhà hát lớn Hải Phòng.
Nhà hát lớn thành phố nhìn từ góc đường Hoàng Văn Thụ
Chứng tích lịch sử
Dưới thời thuộc Pháp, Nhà hát thành phố là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của chế độ thực dân, phong kiến và một bộ phận tư sản. Đây cũng là địa điểm ghi những dấu ấn, mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc và của thành phố Hải Phòng.
Tại Quảng trường Nhà hát thành phố, sáng ngày 23/8/1945, hàng vạn nhân dân, có lực lượng tự vệ hỗ trợ, từ nhiều ngả đường gương cao cờ đỏ sao vàng đổ về. Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh trọng thể khai mạc tại quảng trường Nhà hát. Đồng chí Nguyễn Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hải Phòng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà hát thành phố là địa điểm trung tâm tổ chức các hoạt động của chính quyền cách mạng như: Tuần lễ vàng, phong trào cứu đói, phong trào Nam tiến. Quảng trường Nhà hát thành phố còn là nơi chứng kiến sự kiện hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành đón chào bộ đội tiến vào tiếp quản thành phố ngày 13/5/1955.
Từ sau ngày giải phóng Hải Phòng đến nay, Nhà hát thành phố là trung tâm sinh hoạt chính trị - văn hóa của thành phố, đặc biệt là trong dịp Giải phóng Hải Phòng 13/5 hàng năm và trong thời khắc Tết đến, xuân về.
Quảng trường Nhà hát thành phố là nơi tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ thường niên. Ảnh: Trọng Luân
Giá trị văn hóa, nghệ thuật của di tích
Vẫn theo đánh giá của Bảo tàng Hải Phòng, Nhà hát thành phố là công trình văn hóa tiêu biểu, đặc sắc.
Về giá trị văn hóa, từ khi đưa vào hoạt động, nhà hát là nơi thực dân Pháp, phong kiến và một bộ phận tư sản sinh hoạt chính trị, biểu diễn văn nghệ. Sau khi giải phóng Hải Phòng (13/5/1955), Nhà hát thành phố được chính quyền cách mạng tiếp quản và sử dụng. Từ đó đến nay, Nhà hát đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng về văn hóa, xã hội, du lịch.
Bên trong Nhà hát thành phố. Ảnh: Hồng Phong
Nhà hát thành phố rực rỡ trong đêm diễn vở Di sản mùa xuân của Đoàn Kịch nói Hải Phòng, tháng 2/2020. Ảnh: Hồng Phong
Về giá trị nghệ thuật, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Hải Phòng nhận định, được ra đời trên nền tảng của chế độ thực dân Pháp nên từ mặt thiết kế đến vật liệu xây dựng, hoa văn trang trí kiến trúc hoàn toàn là hình mẫu, là sản phẩm của văn hóa châu Âu. Nhà hát thành phố cũng là công trình kiến trúc mang phong cách tân cổ điển, kế thừa nét đẹp kiến trúc Hy Lạp - La Mã cổ đại và phối hợp đường nét, hình khối Baroc chắc khỏe, trang trí mĩ thuật, hội họa mang phong cách lãng mạn Pháp, tinh tế, chi tiết, chuẩn mực. Không gian nội thất nơi này như một bảo tàng mỹ thuật sống động, đa sắc màu.
Với các giá trị đặc biệt của Nhà hát lớn thành phố, ngày 9/12/2015, Bộ Văn hóa ký quyết định xếp hạng Nhà hát thành phố là 1 trong 6 công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh là Di tích cấp quốc gia.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (Khoa TC-KT, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)
Nguồn: https://haiphong.gov.vn/