Thành phố Hải Phòng

T4: 26°C
T5: 27°C
T6: 28°C
T7: 30°C
CN: 30°C
T2: 26°C
T3: 26°C

Bến nghiêng – Bến tàu không số


Bến tàu không số (là Bến nghiêng Đồ Sơn hiện nay) ở chân đồi Vạn Hoa cạnh thung lũng xanh. Dấu tích cầu cảng K15 nay còn lại là những cột bê-tông. Cầu cảng này được xây dựng và bảo vệ tuyệt đối bí mật, là nơi đỗ của những chiếc tàu không số, chở vũ khí chi viện cho miền Nam.

Bến Nghiêng - Bến tàu không số do thực dân Pháp xây dựng với mưu đồ xâm lược, nhưng lại là nơi chứng kiến người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thành phố. Thời gian đã trôi qua quá lâu nhưng Bến Nghiêng vẫn trường tồn, đánh dấu mốc son trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc...

Bến Nghiêng

Tháng 12-1946, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Đồ Sơn. Khi đó, thực dân Pháp được sự hỗ trợ về nhiều mặt của dến quốc Mỹ như tiền bạc, vũ khí, phương tiện quân sự nên có âm mưu mở rộng chiến tranh, tăng cường đàn áp, càn quét, khủng bố hòng dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Để phục vụ mưu đồ chiến tranh lâu dài, ngoài việc sử dụng các bến cảng khác được xây dựng từ trước, vào năm 1950 chúng cho xây dựng bến tàu quân sự tại Đồ Sơn để tập kết, vận chuyển các phương tiện chiến tranh như súng đạn, xe tăng, xe lội nước từ tàu há mồm ngoài biển vào tập kết, chính vì vậy chúng đã xây bến tàu thoải từ bờ xuống mép nước để thuận tiện cho việc vận chuyển và người dân quen gọi đó là Bến Nghiêng. Người dân Đồ Sơn đã từng chứng kiến những chiếc xe lội nước (họ gọi là xe cóc) từ tàu há mồm bơi từ ngoài biển vào Bến Nghiêng.

Bến Nghiêng là một quân cảng nước nông chưa thể cho tàu lớn vào nhưng nằm trong kế hoạch của Đờ- Cát, thực dân Pháp còn có kế hoạch nạo vét luồng lạch để tàu lớn ra vào nhưng do vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của các đội du kích và bộ đội nên ý đồ này của thực dân Pháp không thành hiện thực.

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, theo Hiệp định Giơnevơ, Hải Phòng, Đồ Sơn nằm trong vùng tập kết 300 ngày cho quân đội Pháp và ngày 15-5, tại Bến Nghiêng chiếc tàu vận tải quân sự của Pháp đã đợi sẵn để đón đoàn quân thất trận tại Đông Dương.

Từ đây, Hải Phòng và miền Bắc sạch bóng quân thù và cũng chính từ ngày này, Bến Nghiêng đã trở thành một di tích minh chứng cho sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều người cao tuổi ở Đồ Sơn chứng kiến thời khắc ấy vẫn còn nhớ như in hình ảnh đoàn quân thất trận lưng đeo ba lô thất thểu bước xuống bến lên tàu chấm dứt 80 năm xâm lược Việt Nam.

Trong những năm chống giặc Mỹ xâm lược, đặc biệt là cuộc chiến tranh chống phong toả tại các cảng biển Hải Phòng, Bến Nghiêng đóng góp vai trò quan trọng trong việc tiếp tế dầu và hàng hoá cho đèn biển Hòn Dáu, vì đây được coi là con mắt ngọc của biển hằng đêm soi sáng dẫn dắt tàu ra vào cảng Hải Phòng. Nhận thấy tầm quan trọng của Hòn Dáu, đế quốc Mỹ tăng cường bắt phá hòng dập tắt ngọn đền dẫn đường, nhưng từ Bến Nghiêng, những chuyến tàu vẫn đều đặn vận chuyển hàng ra Hòn Dáu và hải đăng Hòn Dáu vẫn luôn sáng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Bến Nghiêng lại phát huy vai trò phục vụ sản xuất, đánh bắt hải sản và nay là bến tàu du lịch đưa du khách đi tham quan Hòn Dáu, Cát Bà, Hạ Long...Trong quá trình tồn tại hơn 50 năm, Bến Nghiêng đánh dấu những bước phát triển của Đồ Sơn qua các thời kỳ, chứa đựng những giá trị quan trọng trong tiến trình của lịch sử ở vùng đất- con người trên vùng biển phía Đông Tổ quốc.

Ngày nay, Bến Nghiêng trở thành một đầu mối của tuyến du lịch mới ở Đồ Sơn. Đó là tuyến du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp tín ngưỡng Bến Nghiêng- Hòn Dáu. Từ Bến Nghiêng du khách sẽ xuống tàu du lịch, chỉ hơn 20 phút đi trên biển, làm bạn với những cơn sóng nhẹ du khách đã đặt chân lên đảo. Hòn Dáu tĩnh lặng và trang nghiêm.

Đến với đảo Hòn Dáu, du khách sẽ đến thăm đền thờ Nam hải đại vương và thăm ngọn hải đăng trên đảo. Bước lên cầu thang gỗ xoáy khoảng 100 bậc tiến ra hành lang của ngọn hải đăng, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, du khách sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng xa xa. Với tuyến du lịch này, Đồ Sơn thu hút thêm hàng vạn lượt khách du lịch về thăm và tuyến du lịch Bến Nghiêng- Hòn Dáu là điểm khởi đầu trong tuyến du lịch biển ở Đồ Sơn.

 

Cổng TT Hải Phòng