Thành phố Hải Phòng

T5: 27°C
T6: 26°C
T7: 24°C
CN: 24°C
T2: 24°C
T3: 30°C
T4: 31°C

Đền Kiếp Bạc và câu chuyện ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông


(VOV5) - Nằm trong quần thể di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đền Kiếp Bạc là nơi gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300). Với vị trí ở giữa một thung lũng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, sông nước giao hòa cùng hệ thống kiến trúc độc đáo, đền Kiếp Bạc là nơi du khách có những khám phá thú vị về văn hóa Việt Nam cùng chiến tích lừng lẫy trong lịch giữ nước. 

Cổng đền Kiếp Bạc

Cái tên Kiếp Bạc là ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Khu vực đền Kiếp Bạc nằm trong một thung lũng trù phú, xanh tươi, ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, phí trước là Lục Đầu Giang, nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình.

Vị trí Đền Kiếp Bạc xưa cũng là đầu mối huyết mạch giao thông đường thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía đông Kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay). Chính vì vậy sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực này làm trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn ra biển Đông, nhằm tạo thế trận chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).

Sau khi Trần Hưng Đạo mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước, nhân dân địa phương đã lập đền thờ trên vị trí trung tâm chỉ huy xưa kia, đặt tên là Kiếp Bạc và tôn ông làm Đức Thánh Trần.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn kiếp bạc, cho biết: "Hiện nay thì trên cả nước ta có hàng nghìn di tích thờ Hưng Đạo đại vương. Tuy nhiên với Vạn Kiếp đây là một mảnh đất gắn bó rất sâu sắc với cuộc đời và sự nghiệp của người. Nếu như Nam Định là quê hương của Đức Thánh Trần và Trần Thương ở Hà Nam là kho quân lương lớn nhất của nhà Trần thì Vạn Kiếp là nơi đại bản doanh và là nơi mà người cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp và cũng là nơi mà người mất tại tư dinh Vạn Kiếp này.

Hiện nay thì rất nhiều trên cả nước có di tích thờ đức thánh Trần nhưng tuy nhiên ở Vạn Kiếp, Kiếp bạc với những tình cảm mà Đức Thánh Trần gắn bó với Vạn Kiếp cả khi người còn sống và khi người hiển thánh mất đi. Cho nên Kiếp Bạc trong tâm thức của dân gian đây là thánh địa thờ đức Thánh Trần".

Phong cảnh xung quanh đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc hướng ra sông Lục Đầu với cổng lớn nguy nga, đồ sộ cùng ba cửa ra vào. Trên mặt ngoài cổng có 9 chữ lớn, trong đó phía trên là 4 chữ "Hưng thiên vô cực", phía dưới là 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ" và hai cột câu đối “Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh” (Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng/ Lục Đầu không còn nước nào chẳng vọng tiếng thu).

Qua cổng lớn, bên trái có Giếng Ngọc mắt rồng không bao giờ cạn nước. Đền Kiếp Bạc có 3 tòa điện lớn. Tại vị trí trang trọng nhất là tòa điện giữa, đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo. Tòa điện ngoài cùng đặt tượng thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão là con rể Trần Hưng Đạo. Tòa điện trong cùng đặt tượng thờ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa, vợ của Trần Hưng Đạo và hai con gái. Trong đền còn đặt 4 bài vị thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn kiếp bạc, cho biết thêm: "Toàn bộ khu Đền Kiếp Bạc này được khởi dựng từ thời nhà Trần khi mà mua Trần Anh Tông cho xây dựng để phụng thờ đức Thánh Trần (năm 1300).

Toàn thể công trình kiến trúc của đền Kiếp Bạc được bố trí theo lối cung đình. Niên đại của đền Kiếp Bạc đây là từ thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) và trước đó đã được tôn tạo nhiều lần. Toàn bộ khu vực sân đá cũng được tôn tạo từ thời nhà Nguyễn vào năm Khải Đinh thứ 21. Cho đến nay qua nhiều năm tôn tạo và mới nhất là năm 2012 có tôn tạo lại sân để phục vụ cho bà con nhân dân về lễ thánh".
Hội đền Kiếp Bạc, lễ hội truyền thống kỉ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, diễn ra vào mùa thu từ ngày 15 – 20/8 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất nước, thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước về đây trẩy hội.

Chị Hoàng Thị Phượng, du khách Hà Nội, cho biết: "Tôi đi lễ hội Kiếp Bạc là đến tưởng nhớ Đức Thánh Trần, người mà nhân dân tôn  như một người cha. Đoàn chúng tôi thường đi hai ngày để dự các hoạt động chính của lễ hội và thăm quan, nghi ngơi tại đây, vì phong cảnh thiên nhiên khu vực rất đẹp, không khí trong lành".

Tới lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian như: Lễ Cáo yết, Lễ khai ấn, Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lễ rước bộ, Lễ hội quân, Lễ cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, Diễn xướng hầu thánh, các trò chơi dân gian... Trong đó đặc biệt nhất là Lễ rước bộ và Lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn kiếp bạc, cho biết: "Vào ngày 17/8 ngoài sông Lục Đầu diễn ra một nghi lễ quan trọng và đặc trưng của đền Kiếp Bạc đó là lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Và nghi lễ này nhằm tưởng nhớ công lao của Đức thánh Trần, Quốc công Tiết chế và cũng chính là vị thủ lĩnh tài ba, là thủy tổ của thủy quân Việt Nam.

Vào những ngày này thì ngư dân khắp nơi, khắp mọi miền đều tề tịu đua thuyền về đền Kiếp Bạc để hội quân, để cầu xin Đức Thánh Trần một năm mưa thuận gió hòa, một năm đi biển ra khơi được tôm cá được một năm bộ thu".
Sau phần lễ, các hoạt động hội diễn ra rất phong phú và đa dạng đan xen  phần lễ với  nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ… Trảy hội Kiếp Bạc, du khách trong nước và nước ngoài được sống lại không khí ra trận năm xưa của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, để hiểu hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Vĩnh Phong

Theo: https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/den-kiep-bac-va-cau-chuyen-thuy-quan-dat-viet-ba-lan-danh-thang-giac-nguyen-mong-440159.vov